Ghi chú The Carl Rogers Readers #3.4-3.6

Trong ba buổi vừa qua của nhóm đọc The Carl Rogers Reader, chúng ta đã lần lượt đi qua các chủ đề tương ứng với ba điều kiện đầu tiên trong nhóm những điều kiện cần và đủ của sự thay đổi nhân cách mang tính trị liệu trong giả thuyết của Carl Rogers về trị liệu. Chúng bao gồm tiếp xúc tâm lý (psychological contact), sự thiếu hợp nhất nơi thân chủ (client’s incongruence), và sự hợp nhất nơi nhà trị liệu (therapist’s congruence).

Khi bàn về tiếp xúc tâm lý, chúng ta đã thảo luận về việc liệu có tồn tại những mức độ khác nhau trong sự tiếp xúc tâm lý giữa nhà trị liệu và thân chủ hay không và nếu có thì liệu chúng ta có thể đo lường chúng một cách chủ quan và khách quan hay không. Qua đó, chúng ta nhắc đến một số công cụ cho phép đánh giá chất lượng mối quan hệ tham vấn trị liệu chẳng hạn như Barrett-Lennard Relationship Inventory hay Working Alliance Inventory. Xa hơn, một số phương pháp hay khía cạnh đo lường có thể được sử dụng trong thực hành hoặc nghiên cứu bao gồm Empathic Accuracy Task, đo lường dựa trên các chỉ số sinh học, trong thời gian thực, và bởi người quan sát. Trong thảo luận này, chúng ta cũng đề cập đến một cách hiểu về tiếp xúc tâm lý hay điều kiện đầu tiên như là một sự tiếp xúc thuần tuý, đơn giản như một ly nước trong suốt, mà trên cơ sở đó những đặc tính cụ thể như chân thật, chấp nhận, và thấu cảm được thêm vào để tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng. Cuối cùng, trong khi suy tư về thời điểm thích hợp để đưa ra một phản hồi hoặc một can thiệp nào đó, chúng ta nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa hai tiến trình độc lập nhưng liên hệ mật thiết trong trị liệu đó là tiến trình thay đổi chất lượng mối quan hệ trị liệu và tiến trình thay đổi nhân cách nơi thân chủ. Có vẻ như trong sự so sánh này, một bên có thể coi là phương tiện và một bên thì là cứu cánh. 

Khi bàn về sự thiếu hợp nhất của thân chủ, chúng ta thử nhìn nhận nó với hàm ý rằng đau khổ chính là điều kiện để trưởng thành, để đặt các cá nhân vào trong một tình huống tuy khó khăn và thách thức nhưng lại thôi thúc sự sáng tạo và sức bật của họ được triển nở, đưa đến sự thay đổi và phát triển cho thích ứng tốt đẹp hơn. Chúng ta cũng nói đến khuynh hướng tập trung vào triệu chứng thay vì vào con người của hay sự tương tác với thân chủ, làm thế nào để ứng phó với những áp lực từ các bên liên quan, nhất là khi làm việc với thân chủ là trẻ em. Những trải nghiệm thực hành đã được chúng ta chia sẻ trong đó bao gồm việc giải thích và làm rõ cách làm việc, chỉ ra sự thất bại trong những nỗ lực trước đây, tóm tắt bản chất của vấn đề mà thân chủ đang gặp phải, chia sẻ một số chiến lược mà người thân có thể sử dụng, và cung cấp những số liệu cho thấy sự tiến triển của thân chủ qua thời gian; qua đó góp phần tạo dựng được một mối quan hệ làm việc thuận lợi và ổn định. 

Một băn khoăn về yếu tố phi điều hướng trong thực hành tham vấn trị liệu nhân vị trọng tâm cũng được đem ra thảo luận. Chúng ta thấy rằng có những hành động cụ thể nào đó (chẳng hạn đưa ra gợi ý về một hoạt động mà thân chủ có thể thử nghiệm; đưa ra một số lựa chọn để thân chủ cân nhắc khi thân chủ tỏ ra bị động trong tình huống tham vấn) không phản ánh sự điều hướng hay phi điều hướng. Ở đây chúng ta thấy tầm quan trọng của thái độ hay hàm ý áp đặt hay lèo lái cuộc đời của thân chủ trong việc xác định tính chất điều hướng. Điều hướng hoặc phi điều hướng do đó có nhiều lớp ý nghĩa. Phi điều hướng có thể là không có sự điều hướng, không có sự kiểm soát tâm lý (psychological controlling), hay độc đoán (authoritarian), áp đặt hay ép buộc (imposing) đối với thân chủ cũng như không có sự hiện diện của hàm ý rằng nhà tham vấn trị liệu là chuyên gia, biết rõ hơn thân chủ về trải nghiệm của thân chủ, biết thân chủ cần phải cảm nhận, suy nghĩ, và hành động như thế nào. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng có những hành vi hay khuynh hướng hành động rõ ràng thể hiện một sự điều hướng. Chẳng hạn, thu thập thông tin từ thân chủ, thuần tuý coi họ như một nguồn cung cấp thông tin, đưa ra chẩn đoán và đánh giá dựa trên những thông tin đó, và áp đặt các cách thực can thiệp hoặc hành động mà thân chủ nên tuân theo. Nhân đó, chúng ta nói về bản chất của việc đào tạo một nhà tham vấn trị liệu nhân vị trọng tâm: Đó là học hỏi từ trải nghiệm để dần dần từ bỏ những thái độ và nỗ lực điều hướng, buông dần để chỉ còn lại sự phi điều hướng!

Trong buổi gặp gỡ gần nhất, chúng ta thảo luận về sự hợp nhất hay chân thật nơi nhà trị liệu. Ở đầu buổi, chúng ta khảo sát những yếu tố nào trong mối quan hệ trị liệu có thể ảnh hưởng tới cách mà thân chủ tiếp nhận một sự chủ động từ nhà tham vấn trị liệu trong việc chỉ ra những mâu thuẫn trong chia sẻ của thân chủ – coi nó như là một mối đe doạ cần né tránh hay sự hỗ trợ tiến lên. Những yếu tố đó bao gồm: chất lượng của mối quan hệ tham vấn trị liệu (liệu rằng nó đã đủ an toàn và chấp nhận đối với thân chủ hay chưa), bản chất của việc chỉ ra của nhà trị liệu (là đánh giá phán xét hay là một lời mời gọi phản tư), tính chất khó chịu đựng hay không dễ chịu của việc thấy ra mâu thuẫn nội tâm bất chấp sự an toàn của mối quan hệ (rằng cho dù thế nào việc đối diện với trải nghiệm nơi sinh thể lúc nào cũng đòi hỏi thân chủ chấp nhận và vượt qua rủi ro và sợ hãi), sự sẵng sàng hay đúng thời điểm đối thân chủ khi tiếp cận một lĩnh vực đáng sợ và khó khăn đối với họ, và sự sai lệch chỉ đơn thuần là do sự thay đổi trong cảm nhận và suy nghĩ của thân chủ qua thời gian. 

Chúng ta nhắc đến sự khác biệt giữa phản hồi từ đánh giá của nhà trị liệu đối với trải nghiệm của thân chủ và phản hồi tự sự hiểu biết mang tính do dự của nhà trị liệu đối với trải nghiệm của thân chủ. Trong khi hướng thứ nhất dựa trên khung tham chiếu bên ngoài (external frame of reference) đối với thân chủ, có nhiều khả năng đưa vào các thành kiến hay định kiến của nhà trị liệu, thì hướng thứ hai dựa trên nỗ lực nắm bắt được khung tham chiếu bên trong (internal frame of reference) của thân chủ, giúp hạn chế được những sai lầm trong sự khẳng định về trải nghiệm của thân chủ đồng thời bày tỏ tin tưởng và thừa nhận thẩm quyền của thân chủ đối với trải nghiệm của họ. Từ đây, chúng ta bắt nối với một ý tưởng cho rằng nhà trị liệu “hợp nhất”, “chân thật”, hay “là chính mình” tức là nói ra hay bày tỏ ra tất cả những cảm nghĩ đang có của bản thân trong mối quan hệ trị liệu. Chúng ta thấy rằng cách hiểu này có thể đã bị ảnh hưởng nhiều bởi những nội dung trên mạng cổ vũ một lối sống là “chính mình” theo hướng làm bất cứ thứ gì mình muốn – rất khác biệt với sự “là chính mình” theo tiếp cận nhân vị trọng tậm: sự thấy biết rõ ràng các trải nghiệm đang có nơi bản thân mình thay vì né tránh, chối bỏ, hay bóp méo. Ở một mức độ nào đó, “là chính mình” theo nhân vị trọng tâm là sống có chánh niệm, tỉnh giác theo đạo Phật. 

Chúng ta cũng nhận ra rằng một cách hiểu như vậy về “là chính mình” – bảy tỏ ra bất cứ cảm nhận nào của nhà trị liệu trong mối quan hệ với thân chủ – thậm chí gây hại khi những vấn đề của cá nhân nhà tham vấn trị liệu khi được đem ra bàn thảo có thể gây ra gánh nặng cho cả hai thay vì hữu ích. Thay vào đó, những khó khăn cá nhân mà nhà trị liệu chân thật ý thức được nơi bản thân mình trong mối quan hệ với thân chủ có lẽ cần được trợ giúp một cách chuyên nghiệp trong quá trình giám sát thực hành. Tuy nhiên, ở đây chúng ta cũng đối diện với một khả năng mà qua đó tạo ra một thách thức trong thực hành, đó là việc cân bằng giữa sự giữ lại tránh làm tổn hại và sự biểu lộ bản thân như một con người nơi nhà trị liệu với những cảm nhận và suy nghĩ rất người. Nói cách khác, có một lằn ranh nào đó đòi hỏi chúng ta có một sự tinh tế hình thành nhờ trải nghiệm để tránh thiên lệch về hướng quá xa cách và thiếu tính con người đằng sau một tấm mặt nạ chuyên nghiệp, chuyên gia hoặc về hướng đổ ra hết những cảm nghĩ nhiều khi xuất phát từ vấn đề cá nhân mà chúng ta nghĩ là “sống thật” vào trong mối quan hệ với thân chủ. Chúng ta đã thấy tác hại của việc quá xa cách, quá chuyên nghiệp, đóng khung mình vào trong một mẫu hình chuyên gia cũng như tác hại của việc đơn thuần nói ra tất cả nhũng cảm nghĩ của bản thân. Mặt khác, chúng ta cũng có những trải nghiệm cho thấy sống một cách rất người trong mối quan hệ với thân chủ đôi khi là hữu ích. Câu hỏi đặt ra là giới hạn cho việc “là chính mình” là gì? Đây có lẽ là câu hỏi mà mỗi nhà thực hành phải thông qua trải nghiệm của mình để trả lời. 

Kiến Minh Nguyễn Ngọc Quang

Hình ảnh minh hoạ của Rogers cho tình trạng thiếu hợp nhất giữa ý niệm về cái tôi và trải nghiệm nơi sinh thể của cá nhân


Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com