Nhà trị liệu nhân vị trọng tâm không tin vào thân chủ

Có thể nói, toàn bộ lý thuyết và thực hành của tiếp cận nhân vị trọng tâm đều dựa trên một giả định rằng bên trong mỗi cá nhân đều tồn tại một khuynh hướng hiện thực hoá mà nếu được tạo điều kiện thuận lợi sẽ đưa đến một đời sống lành mạnh và tràn đầy cho các cá nhân.

Mặc dù vậy, có lẽ, một nhà trị liệu nhân vị trọng tâm thực sự ở nơi phòng tham vấn với một thân chủ đang đau khổ sẽ không có một niềm tin như vậy – Anh ta hay cô ta không tin rằng bên trong thân chủ có sẵn những khả năng hay khuynh hướng tích cực chỉ chờ được phát khởi.

Vì sao thế?

Tôi nhớ có lần mình từng tham gia vào một cuộc thảo luận sôi nổi giữa những nhà thực hành tham vấn trị liệu, chủ yếu ở Anh, về việc liệu những thái độ nhân vị trọng tâm nơi nhà trị liệu có đủ để giúp cho thân chủ thay đổi hay vượt qua được những trải nghiệm sang chấn hay không.

Trong quá trình trao đổi, tôi bỗng ngờ ngờ nhận ra rằng có lẽ khởi phát của mọi nghi ngại, nơi tôi và nơi những người đang trao đổi đây, đối với những thái độ nhân vị trọng tâm là việc thiếu niềm tin vào khuynh hướng hiện thực hoá nơi các thân chủ.

Khi thiếu đi niềm tin này, khi không tin rằng cá nhân có khả năng hiểu biết bản thân và những vấn đề của bản thân đến mức sâu sắc để vượt thoát vấn đề, nhà trị liệu không thể tránh khỏi việc mất kiên nhẫn mà muốn làm gì đó để nhanh chóng hướng dẫn hay thúc đẩy, bằng các kỹ thuật và phương pháp, giúp thân chủ tiến lên theo một ý tưởng tốt đẹp nào đó của nhà trị liệu.

Khi tôi tự hỏi vì sao tôi và nhiều người lại thiếu niềm tin vào khuynh hướng hiện thực hoá nơi con người, câu trả lời hiện ra trong tâm trí tôi hoá ra lại rất đơn giản: “Vì chưa thấy!” – Vì người ta chưa từng thấy nó hiện diện nơi mình và nơi người khác trong một mối quan hệ trị liệu nhân vị trọng tâm, nên người ta thấy khó tin. Chỉ có như vậy thôi.

Dù một người có đọc hàng ngàn trang tài liệu hay nghiên cứu về khuynh hướng hiện thực hoá, đến mức tuyên bố rằng người ấy hoàn toàn tin tưởng vào nó, mà không một lần thực chứng nó thì nó mãi mãi chỉ là một ý niệm không có thật. Niềm tin dựa trên trí năng như vậy sẽ nhanh chóng bị thử thách đến cạn kiệt ngay khi nhà trị liệu đối diện với những tình huống nhạy cảm ngặt ngèo trong quá trình giúp đỡ thân chủ. Thường thì, với một niềm tin trí năng như vậy, nhà trị liệu sẽ nhanh chóng từ bỏ hành động phù hợp với niềm tin đó.

Nếu ai đó nói với bạn rằng “trên đời này có tồn tại một loài hoa mà người ta gọi là hoa hồng, với màu sắc như vậy, mùi hương như vậy, cấu tạo như vậy” bạn có tin không? Không, chắc chắn là vậy. Bạn không tin, mà bạn biết rằng đó là sự thật vì chính bạn đã thực chứng nó chứ không phải sách vở nào đã nói cho bạn nghe.

Cũng như thế, khuynh hướng hiện thực hoá sẽ luôn tồn tại trong trí tưởng tượng và phải làm đối tượng cho những chất vấn về niềm tin cho đến khi cá nhân thực sự tự mình chứng nghiệm nó. Một khi đã thấy người ta không còn nói chuyện tin hay không tin. Vì vậy, một nhà trị liệu nhân vị trọng tâm đích thực, không thực hành giúp đỡ thân chủ bằng niềm tin mà là bằng sự thực chứng – chính họ đã trải nghiệm sức mạnh của khuynh hướng đó nơi họ trong bầu không khí nhân vị trọng tâm để giờ đây họ trở nên nể phục và kính ngưỡng nó, khiêm tốn chờ đợi nó nảy nở nơi thân chủ.

Đó có lẽ cũng là lý do vì sao ngay từ ban đầu các chương trình đào tạo nhà trị liệu nhân vị trọng tâm đã luôn chú trọng đến việc giúp cho người học, người thực hành trải nghiệm một bầu không khí nhân vị trọng tâm và tăng trưởng trong chính bầu không khí đó. Cuối cùng, không có lời giao rảng nào về khuynh hướng hiện thực hoá và những thái độ trị liệu tốt hơn bằng chỉ thẳng vào sự thật mà tự người học có thể chứng nghiệm.

Kiến Minh

Tranh bởi Philippe Lardy


Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com