Vài ghi chú về định hình trường hợp trong trị liệu Nhân vị Trọng tâm

Trong Nhân vị Trọng tâm cổ điển của Carl Rogers, việc định hình trường hợp của thân chủ không có nhiều ý nghĩa.

Điều quan trọng duy nhất đối với nhà trị liệu là có thể hiểu biết thế giới của thân chủ như cách mà thân chủ hiểu biết về thế giới đó.

Tuy nhiên ở khía cạnh nào đó, việc định hình trường hợp dường như được chấp thuận như là một trong những năng lực căn bản của một nhà lâm sàng và từ đó có thể dẫn tới đòi hỏi của nơi mà nhà lâm sàng thực hành.

Nghĩ tới khía cạnh này nên mình thấy nếu buộc phải định hình trường thì việc sử dụng mô hình nhân cách của Carl Rogers vẫn hoàn toàn có thể đáp ứng. Mình đã sử dụng mô hình này để định hình một số trường hợp trong buổi thảo luận ca vừa rồi của PsyHub.

Và sau đây là một số điều mình học hỏi được:

1. Việc định hình trường hợp theo Nhân vị Trọng tâm xem ra không chỉ đơn giản là phân loại các thông tin thu được vào thành các nhóm ý niệm về cái tôi, trải nghiệm sinh thể, sự thiếu hợp nhất, triệu chứng, chối bỏ hoặc né tránh.

2. Dường như việc định hình trường hợp theo Nhân vị Trọng tâm đòi hỏi nhà lâm sàng phải thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt và phải tiếp nhận toàn thể các thông tin đó để thấy ra được một tổng thể (gestalt) chính là ý niệm về cái tôi và cái tôi lý tưởng cùng những khía cạnh sai biệt so với hai ý niệm đó.

3. Triệu chứng là dễ dàng nhận biết nhất và có thể dễ dàng tóm gọn thành các nhóm điển hình như mọi cách tiếp cận khác gồm cảm xúc, nhận thức, hành vi, cơ thể, mối quan hệ.

4. Tuy nhiên lấy triệu chứng là điểm nhìn hay là trọng tâm để tổ chức các thông tin khác xung quanh nó thì người ta không thể thấy được điều gì đó nằm đằng sau những triệu chứng ấy. Cuổi cùng định hình trường hợp ở đây không đạt được đến mức độ thấy ra ý niệm về cái tôi và cái tôi lý tưởng của cá nhân.

5. Ý niệm về cái tôi và cái tôi lý tưởng có vẻ như thường được rút ra từ việc xem xét các quyết định, các cách thức ứng xử, các mong muốn nguyện vọng, các nỗi niềm đau khổ do không đạt được (thay vì có lẽ là các nỗi niềm đau khổ không rõ nguyên nhân), các chuẩn mực của gia đình và xã hội phản ánh qua cách nhìn cuộc sống, tự nhìn nhận bản thân, v.v.

6. Những chi tiết nào thể hiện ý niệm về cái tôi và những chi tiết nào thể hiện trải nghiệm của sinh thể? Đó là một điểm khó khăn trong khi tiếp nhận thông tin về cá nhân. Chú ý đến tổng thể có thể là một chiến lược hạn chế sai lầm. Những sai biệt với tổng thể xem ra có thể là những trải nghiệm của sinh thể hoặc cơ chế chối bỏ và bóp méo của cá nhân.

Kiến Minh Nguyễn Ngọc Quang
Vietnam Rogerian Group


Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com